G.Đ.P.T HUYỀN QUANG

SƠ LƯỢC VỀ BỐN SỰ THẬT CAO THƯỢNG
BASIC FOUR NOBLE TRUTHS

I.CĂN NGUYÊN VÀ ĐỊNH NGHĨA:

Giáo lý của Đức Phật không đặt nền tảng trên sự sợ hãi của những điều gì không biết, mà được xây dựng trên căn bản của những sự kiện có thể khảo sát và chứng minh bằng kinh nghiệm. Phật giáo là thuần lý và thực nghiệm.

Đức Phật, sau khi thành đạo liền đến vườn Lộc-Giả ở Chư Thiên Đọa xứ để độ năm anh em ông Kiều Trần Như - những người bạn cũ của Ngài. Đầu tiên, năm ông này không chịu nghe; nhưng Ngài xuất hiện với tướng hảo trang nghiêm, lời dạy hiền hòa và có sức thu hút, họ trở lại và chú ý, sau cùng trở thành những đệ tử của Ngài và chứng quả A-La-Hán. Bài thuyết pháp này được gọi là Bốn Sự Thật Cao Thượng (Tứ Diệu Đế). Bốn Sự Thật Cao Thượng trình bày triết lý và đạo đức của Phật giáo. Đó là nền tảng của Phật giáo.

II.HÀNH TƯỚNG CỦA BỐN ĐẾ:

1. Khổ đế: Những khổ đau của cuộc sống liên tục tiếp diễn tạo nên vòng sanh tử luân hồi, từ đời này qua đời khác. Có tám hành tướng khác nhau của sự khổ:

a. Sanh khổ: Nỗi khổ của con người khi được sanh ra và những nghịch cảnh trong cuộc sống.

b. Lão khổ: Nỗi khổ đau do sự già nua suy tàn của thân xác và sự lu mờ của trí tuệ.

c. Bệnh khổ: Nỗi khổ sinh ra do bệnh tật.

d. Tử khổ: Nỗi khổ đau khi sắp lìa đời.

e. Ái biệt ly khổ: Nỗi khổ đau khi phải xa lìa những gì mình yêu mến.

f. Oán tắng hội khổ: Nỗi khổ đau khi phải gặp và chung sống với người mình oán ghét.

g. Cầu bất đắc khổ: Nỗi khổ đau khi những điều mình mong cầu mà không được.

h. Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ: Nỗi đau khổ do sự xung đột, mâu thuẩn, chi phối lẫn nhau của những yếu tố tạo nên con người.

2. Tập đế:

Tập đế là sự thật về nguyên nhân của những nỗi khổ đã tích trữ lâu đời trong mỗi chúng sanh. Phiền não tuy nhiều nhưng không ngoài 10 món căn bản sau:

a. Tham: Lòng tham của mỗi chúng sanh.

b. Sân: Giận dữ nóng nãy.

c. Si: Si mê, mờ ám, hoặc nhận xét sai lầm.

d. Mạn: Chỉ biết nâng cao địa vị mình và kìm hãm giá trị người khác.

e. Nghi: Nghi kỵ, ngờ vực, không có lòng tin.

f. Thân kiến: Chấp đắm sắc thân này là thiệt có, trường tồn.

g. Tham sắc giới: Thích được sống mãi trên cõi đời. Nghĩ rằng cái ta thường còn.

h. Tham Vô Sắc giới: Ước muốn được về cõi trời.

i. Kiến thủ: Chấp vào sự hiểu biết của mình, không chịu tin theo chính lý.

j. Giới cấm thủ: Tin tưởng và thực hành những giới điều sai lầm.

3. Diệt Đế:

Diệt đế là diệt dục vọng, mê mờ, phiền não. Diệt đế là tịnh quả Niết Bàn.

a. Niết Bàn: Niết là rơi rụng, bàn là mọc lên lăn xăn. Đạt Niết Bàn là dứt sạch sanh nhân, không còn thọ thân chịu khổ. Niết bàn có ba đặc điểm sau:

1) Bất sanh: Không sanh lại vì nhân sanh đã đoạn.

2) Tịch diệt: Thanh tịnh vắng lặng vì tâm niệm không lay động.

3) Giải thoát: Diệt tận phiền não, thoát khỏi rừng mê, thân tâm tự tại, không còn triền miên trong biển khổ.

b. Vị thứ tu chứng:

1. Tu-Đà-Hoàn (Dự Lưu quả): Những vị này rõ chơn lý Bốn Đế nên đi ngược giòng đời và đã đi vào giòng Thánh. Những vị này đã đoạn diệt được 3 phiền não: Thân kiến, Nghi, và Giới Cấm Thủ. Nếu chưa đoạn diệt hết các phiền não, các vị này còn phải tái sanh 7 lần nữa.

2. Tư-Đà-Hàm (Nhất sanh): Những vị đã đoạn diệt thêm hai phiền não nữa (Tham dục và Sân nhuế) và chỉ phải một lần sanh vào dục giới nữa mà thôi.

3. A-Na-Hàm (Bất lai): Quả vị này dành cho những ai đã chế ngự được bản ngã mình và họ sẽ không còn sanh trở lại dục giới. Nhưng họ sẽ sanh vào cõi Tịnh Cư Thiên, một cõi trời Phạm Thiên thích hợp cho đến khi chứng đắc quả A-La-Hán.

4. A- La- Hán (Bất sanh): Quả vị Thánh của bậc A-La-Hán, là vị không những chỉ thoát khỏi sự luân hồi mà còn đạt tới trí tuệ hoàn toàn, với tình thương bao la đối với những kẻ còn mê lầm và khổ đau, cũng như có lòng từ bi với tất cả chúng sanh.

4. Đạo đế:

Là con đường hướng dẫn, những pháp tu hành hướng đến quả vị Niết Bàn chư Phật. Con đường ấy là "Tám Chánh Đạo".

a. Chánh tri kiến: Hiểu biết đúng sự thật.

b. Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn.

c. Chánh ngữ: Lời nói ôn hòa, ngay thẳng, hợp chơn lý.

d. Chánh nghiệp: Hành động chân chánh, hoạt động hữu ích.

e. Chánh mạng: Sinh hoạt chân chính.

f. Chánh tinh tấn: Tinh tấn trên đường tu hành.

g. Chánh niệm: Nhớ nghĩ những việc chân chánh đã qua, suy tưởng những việc chân chánh sẽ đến, đề phòng và đoạn trừ những hành động bất chánh, những ý tưởng phi pháp.

h. Chánh định: Lặng đứng các vọng duyên tâm trí, để trí huệ minh mẫn được xuất hiện.

Tóm lại, Đạo đế là con đường hướng đến đạo quả do đức Phật thuyết minh. Con đường ấy chắc chắn đưa chúng ta thoát khỏi mê lầm đau khổ, chứng quả vị giác ngộ, an tịnh (Niết bàn).

III. PHẬT TỬ ĐỐI VỚI BỐN ĐẾ:

Dù chư Phật có ra đời hay không, bốn thánh đế này vẫn tồn tại trong vũ trụ. Đức Phật chỉ là người chứng ngộ những chân lý ẩn tàng trong vô minh của thời gian. Theo đức Phật, những hạnh phúc mà con người thụ hưởng trong dục tình chỉ là những hạnh phúc tạm bợ, giả dối và nhất thời; duy chỉ có không đam mê ái dục mới là hạnh phúc cao quý nhất. Diệt bằng cách thực hành Tám Chánh Đạo để đạt hạnh phúc cao hơn.

Phật giáo xem sự đau khổ là điều dĩ nhiên và tìm nguyên nhân để diệt trừ nó. Nơi nào có lòng tham thì nơi đó có đau khổ. Nó chỉ có thể đoạn siêu của Niết Bàn.

Là người Phật tử, chúng ta luôn thực hành theo lời dạy của Ngài.



Category: Hướng Thiện , Phật Pháp Ngành Thiếu

Posted: 2 October 2024 by MINH HẠNH - Lưu Đức Hồng Phúc