GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HUYỀN QUANG

ĐẠI CƯƠNG PHẬT PHÁP, bài số 1 bậc Kiên

1. Dẫn Nhập

Các nguồn tư tưởng cũng như các tôn giáo trong thời kỳ Phật ra đời đã không giải quyết được gì cho con người và xã hội, đó là lý do mà Thái Tử Tất Đạt Đa phải tự mình đi tìm chân lý. Ngài đã tìm được chân lý và Ngài cũng muốn đem những gì Ngài chứng ngộ để dẫn dắt chúng sanh. Mặc dù khi quán chiếu, Ngài thấy được căn cơ của chúng sanh còn thấp kém khó nhận được những giáo lý của Ngài, Ngài đã tùy thuận chúng sanh để truyền bá, để cứu độ cũng như một vị thầy thuốc chữa bệnh. Người nào bệnh nào thì theo đó mà cho toa thuốc.

Trong suốt 49 năm thuyết giảng, cuối cùng Ngài đã bảo rằng: "Ta chưa nói một lời nào". Đúng vậy, giáo lý của Ngài quá vi diệu nếu không muốn nói là quá khó hiểu đối với căn cơ của chúng sanh. Bệnh nào thuốc nấy; Ngài không nói đến một bài thuốc chung nào để chữa bệnh cho tất cả chúng sanh. Ai đau thì Ngài cho toa thuốc, ai hỏi thì Ngài trả lời. Bệnh của người này không thể dùng toa thuốc của người khác; chính vì vậy mà lời nói "Ta chưa nói một lời nào" cũng không sai.

Có điều may mắn là các đệ tử của Ngài đã nhớ những gì Ngài nói và đã cùng nhau kết tập lại để cho chúng ta hôm nay có được những lời dạy của Ngài. Và cũng vì lời nói "Ta chưa hề nói lời nào" đã cho chúng ta nhận thức được rằng, chúng ta không nên chấp chặt một bài giảng thuyết nào của Ngài để lại mà phải tự mình (dĩ nhiên phải có sự hướng dẫn của chư Tôn Đức Tăng Ni và chư thiện tri thức thâm hiểu sâu xa) tìm ra cho chính mình một hướng đi, một phương pháp hành trì để mong tìm được giải thoát. Trước khi đi sâu vào giáo điển Phật giáo, chúng ta cần hiểu biết đại cương về Phật Pháp.

2. Ðại Cương Phật Pháp

Như trước đã nói, các vị đại đệ tử của Phật, sau ba lần kết tập, đã ghi lại được rất nhiều lời dạy cùng các bài thuyết giảng của Ngài. Song song với những lời dạy, các vị Tổ qua quá trình tu chứng đã để lại cho Phật tử các lời dạy cũng như các bài giải luận về giáo lý của Phật. Tất cả đó đã hình thành toàn bộ kinh điển Phật Giáo và được xếp thành ba tạng (bộ):

  • Kinh (những lời đức Phật Thích Ca đã nói khi tại thế),
  • Luật (những giới luật mà Ðức Phật chế ra cho các hàng Phật tử xuất gia và tại gia tu tập),
  • Luận (do các đệ tử của Phật - các vị Tổ - làm ra để bàn giải rõ ràng những nghĩa lý mầu nhiệm).

Qua cách truyền bá, ba tạng kinh điển đó lại nằm trong hai Ðại Tạng: Ðại Tạng Bắc Tông (quen gọi là Bắc Tông - truyền thừa qua phương Bắc Ấn Độ như Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam...) và Ðại Tạng Nam Tông (còn gọi là Nguyên Thủy - truyền bá qua miền Nam Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam).

Việt Nam nằm trên cùng hai tuyến đường truyền giáo, nên có đủ được cả hai Đại Tạng. Đại Tạng Bắc Tông phần nhiều được viết bằng Hán Tự (Trung Hoa), Đại Tạng Nam Tông được viết bằng tiếng Sanskrit (Ấn Độ).

Bắc truyền chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, các tăng sĩ cùng sống chung trong một ngôi chùa, ngoài việc tu tập còn phải lo cho đại chúng nên được gọi là Đại Thừa Phật Giáo, đó là cổ xe lớn chở được nhiều người. Nam truyền thì vẫn giữ được phương thức của thời Đức Phật tại tiền, tăng sĩ hàng ngày đi khất thực, nhận sự cúng dường của hàng Phật tử mà không vướng bận về nơi ăn chốn ở, còn được gọi là Tiểu Thừa, đó là cỗ xe nhỏ chỉ chở được một người, và người ta cũng còn gọi là Nguyên Thủy vì vẫn còn giữ được những gì của Phật để lại.

Cho dù là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, Bắc Tông hoặc Nam Tông, chủ yếu Phật Pháp vẫn là: cho ta thấy rõ sự khổ đau của cuộc đời, nhưng không phải để bi quan chán nản, thất vọng mà để tìm cho ra nguyên nhân khổ đau để từ đó có thể tìm cách giải thoát sự khổ đau. Phật Pháp lại giới thiệu cho ta cái cảnh giới an vui tự tại, và chỉ cho ta con đường đi đến an vui giải thoát.

Biện pháp chính có tám điều (sẽ học kỹ trong bài Bát Chánh Ðạo):

  • Thuộc về nhận thức, về trí tuệ:
    • Hiểu biết đúng đắn.
    • Suy nghĩ đúng đắn.
  • Thuộc về đạo đức, luân lý, về lời nói, việc làm:
    • Nói lời đúng đắn.
    • Hành động đúng đắn.
    • Làm ăn sinh sống đúng đắn.
    • Siêng năng, phấn đấu khắc phục khó khăn một cách đúng đắn.
  • Thuộc về định tâm:
    • Chú ý, chú tâm tưởng niệm đúng đắn.
    • Tập trung tư tưởng đúng đắn.

Tám điều này có thể nhóm lại thành ba nhóm:

  • Giới: Ðạo đức, luân lý, thực hành qua lời nói, hành động.
  • Ðịnh: Ðịnh tâm, thực hành qua phép quán tưởng thiền định.
  • Huệ: Nhận thức, trí tuệ.

Ba nhóm này hỗ tương lẫn nhau: có trí tuệ nhận thức đúng đắn mới thấy được giới luật là cần thiết, mới nghiêm trì giới luật. Có nghiêm trì giới luật thì tâm không buông lung, việc định tâm mới dễ dàng. Có định tâm thì trí tuệ mới phát chiếu (ví dụ: khi định tâm thì học bài mau thuộc dễ nhớ, còn khi để tâm buông lung thì học bài khó nhớ, lâu thuộc).

Phật Pháp còn cho ta thấy rõ sự biến đổi vô thường của vạn vật (trong đó có cả con người): vô thường.

Quan niệm về vũ trụ, đạo Phật cũng nêu rõ lý: "Duyên khởi". Mọi sự mọi vật, mọi hiện tượng (nói rộng ra là cả vũ trụ) đều do nhiều yếu tố tương quan với nhau mà thành, chứ không thể tự nhiên mà có và cũng không phải do một ai sinh ra. Nếu một nhân hay một duyên nào thay đổi thì sự vật, hiện tượng đó cũng thay đổi.

Và Phật giáo quan niệm về nhân sinh quan: "Nghiệp báo". Con người không phải chết là hết mà là sự chuyển biến để rồi trở lại sống một kiếp khác. Sinh tử chỉ là giai đoạn chuyển biến của một chuỗi dài luân hồi. Như thế, mọi hành động có ý thức (nghiệp) đều là nhân, và những gì ta nhận lấy trong kiếp sống của mình là quả, và cứ thế nhân quả trùng trùng.

Vậy cuộc đời chúng ta do nghiệp nhân của chúng ta tạo ra chứ không có một đấng thần linh nào ban ơn giáng họa. Muốn an vui ta không phải cầu xin mà có, mà ta phải tạo lấy những nghiệp nhân "Thiện" để hưởng quả lành. Chúng ta không bao giờ buông xuôi tay cho số phận, trái lại cuộc đời chúng ta do chúng ta quyết định (sẽ được học kỹ trong bài nhân quả Nghiệp Báo).

3. Kết Luận

Tóm lại, chúng ta có cái nhìn tổng thể toàn bộ giáo lý của đạo Phật, nắm được những nét rất đại cương. Trong chương trình tu học của Huynh Trưởng, chúng ta sẽ đi sâu vào từng vấn đề một để tìm hiểu tường tận hơn.