GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HUYỀN QUANG

NGŨ MINH PHÁP (Five Vidyas - Pancavidya skt) , bài số 2 bậc Kiên

Năm Minh PHÁP (Five Vidyas) - Pancavidya (skt)

Theo truyền thống Ấn Độ xưa, năm minh hay năm môn học giúp con người phát triển trí huệ. Ngoài năm minh, Ấn Độ cũng có thêm năm minh phụ nữa.

Năm minh đó là:

  • Công Xảo Minh (silpakarmasthanavidya - Craftsmanship vidya)
  • Y Phương Minh (cikitsvidya - Healing vidya)
  • Thanh Minh (sabdavidya - Sound vidya)
  • Nhân Minh (hetuvidya - Causality or Buddhist logic vidya)
  • Nội Minh (adhyatmavidya - Inner realization vidya)

Năm minh phụ là: hùng biện, diễn văn, làm thơ, viết kịch, và chiêm tinh học. (Rhetoric, ornate diction, prosody, dramaturgy, and astronomy)

Đức Phật Thích Ca đã lãnh hội sâu xa năm minh và muốn các hàng đệ tử cần phải hiểu biết để nắm vững được các nguyên lý của vũ trụ. Phật Giáo đã xếp năm minh theo thứ tự sau đây:

  1. Nội Minh
  2. Nhân Minh
  3. Thanh Minh
  4. Công Xảo Minh
  5. Y Phương Minh

I. Nội Minh

Triết học về tông phái Phật Giáo hay trí tối thượng. Môn học về “Thể Hiện Chân Lý Nội Tâm,” về đại trí huệ và Bát Nhã.

Các vị Bồ Tát phải có tài năng để có thể phục vụ cho chúng sanh và xã hội. Với tư cách là những người tại gia, Phật Tử phải thấy rằng Đức Phật đã đề xướng những hướng đi cho các vị Bồ Tát.

Các vị Bồ Tát không những phải có tài năng để có thể phục vụ xã hội và chúng sanh, mà còn phải trau dồi Phật huệ bằng cách không ngừng tu học, tham thiền, suy tư và quán tưởng.

Hiểu biết Nội Minh tức là nắm vững Ba Tạng kinh điển (Kinh - Luật - Luận) do đức Phật thuyết giảng và các bậc Tổ đã chứng nghiệm bản thân mà diễn nói.

II. Nhân Minh

Thuyết minh về lý luận hay lẽ chánh tà chân ngụy. Môn học về luận lý và khoa học, liên quan tới kiến thức về nguồn gốc của vũ trụ, trái đất, nước, năng lượng và không khí. Thời xưa, lãnh vực kiến thức này bị chế ngự bởi các ngành luân lý và triết học, nhưng hiện nay nó chú trọng vào tất cả những môn toán học, vật lý, hóa học, vật lý nguyên tử, thiết kế lý luận trong các loại máy điện toán, và tất cả những môn khoa học cơ bản dùng vào cơ khí và công nghệ.

Đức Phật chỉ vào một ngọn đèn và giải thích rằng bóng tối và ánh sáng của ngọn đèn tạo ra những nghiệp báo khác nhau. Có một nghiệp báo nếu ngọn đèn chiếu sáng và một nghiệp báo khác khi nó bị tắt. Khi ngọn đèn ở trong những vị trí khác nhau nó sẽ tạo ra những nghiệp báo khác nhau.

Cầm một tách trà chúng ta thấy nhân và quả của việc uống trà. Việc mở nắp của tách trà là nhân. Hơi hoặc hơi nước bốc lên khỏi trà là quả. Cầm lấy tách trà trong tay và mang tới miệng uống là nhân. Sự thỏa cơn khát là quả.

Đức Phật đưa ra rất nhiều ví dụ về cách các nguyên lý này vận hành, từ các nhân mà quả thể hiện trong việc nhỏ như một sợi tóc rơi cho tới cộng nghiệp của các quốc gia hoặc nhóm người mà quả thể hiện trong cả sự hưng thịnh hay thảm họa.

Luật nhân quả liên quan tới tất cả vật chất và tất cả các pháp, tất cả các cấp độ của sự vật có điều kiện và không điều kiện, toàn bộ mối quan hệ logic giữa chúng; nói rõ hơn là quan hệ của Nhân và Quả.

III. Thanh Minh

A. Nghĩa của “Thanh Minh”

  1. Thuyết minh về ngữ pháp và luận văn trong ngôn ngữ: Đây là môn học về truyền đạt hay truyền tin, gồm những phương tiện thông tin, ngôn ngữ, chữ viết, và những kỹ thuật hiện đại về sự loan truyền tư tưởng và hình ảnh, như vô tuyến truyền thanh, truyền hình, điện thoại, viễn ấn, điện thư, v.v.
  2. Thanh Minh có nghĩa là truyền tin: Đức Phật đã nhìn thấy sự quan trọng của truyền tin, vì vậy Ngài đã đặt nó lên hàng đầu. Vì nếu không có kỹ thuật truyền tin thì các môn học khác sẽ không phát huy được. Khoa truyền tin tự cổ chí kim chịu ảnh hưởng của chữ viết hay lời nói. Đức Phật khuyến khích con người hãy học cách diễn đạt và làm cho người khác hiểu rõ mình. Vì vậy, ngoài tiếng mẹ đẻ ra, chúng ta cần phải học thêm những sinh ngữ thông dụng để có thể truyền đạt và hiểu rõ tư tưởng của các dân tộc khác, từ đó cải thiện cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần.

B. Phương cách truyền thông

  1. Truyền đạt bằng lời nói: Trò chuyện với nhau.
  2. Truyền đạt bằng chữ viết: Sự tiến triển của văn minh tùy thuộc vào sách vở của các bậc tiền bối để lại. Phật Giáo xuất phát từ Ấn Độ nên tất cả các kinh điển đều được viết bằng Phạn ngữ. Sau đó, kinh điển được dịch sang tiếng Hoa. Hiện nay tại Việt Nam, kinh điển được dịch sang Việt ngữ từ Phạn hay Hoa ngữ.
  3. Truyền đạt bằng những phương cách khác: Chắc chắn có người cho rằng chân lý tối thượng của Đức Phật không thể giải thích bằng ngôn ngữ, nhưng nếu không dùng ngôn ngữ thì không thể nào diễn đạt được Phật Pháp, tức là chân lý tối thượng của Đức Phật; nó siêu việt lên trên mọi hình thức, tuy nhiên phải dùng tới phương tiện của hình thức thì mới có thể thực hiện được bằng các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, và hành động, như các tông phái Mật Tông đã ứng dụng. Trong Thiền Tông, sự truyền đạt trí huệ cao siêu được thực hiện bằng tâm truyền tâm. Tuy nhiên, vì đa số đại chúng với căn cơ trình độ khác nhau, thì sự truyền đạt bằng ngôn ngữ và hình ảnh chân thật vẫn phổ thông và hữu hiệu hơn nhiều.

IV. Công Xảo Minh

  1. Thuyết minh về nghệ thuật và toán pháp, hay môn học về kỹ thuật mà trong thời Đức Phật còn tại thế bao gồm những kỹ thuật về nông nghiệp, thương nghiệp, thiên văn, địa lý, kiến trúc, và các loại công nghệ. Trong thời đại hôm nay, công xảo minh bao gồm những ngành phát triển gia cư và thành thị, vận tải, năng lượng, thủy lợi, kiến thiết, quản lý kỹ nghệ và kinh doanh.

  2. Còn gọi là Công Nghiệp Minh, liên quan đến nghệ thuật và toán pháp. Theo Giáo Sư Triệu Chân Giác trong Ngũ Minh, thời trước chữ “Công Xảo Minh” được dùng để chỉ các môn nghệ thuật và toán học, nhưng ngày nay nó bao gồm tất cả các ngành kỹ thuật học và các khoa học cơ khí. Kiến thức về nông nghiệp và thủy lợi để trồng mễ cốc làm thực phẩm, trồng bông gòn để dệt vải, thiết lập các thành phố và nhà cửa để cư ngụ, chế tạo xe cộ để chuyên chở; tất cả những thứ này đều cần thiết trong đời sống của chúng ta, và chúng đều được xếp vào công xảo minh. Chữ này cũng còn bao gồm cả những kiến thức về thiên văn và địa lý để con người có thể tiên đoán những thay đổi của thời tiết, là thứ có thể ảnh hưởng tới sự sản xuất thực phẩm. Nó cũng bao gồm môn toán học để tính toán số lượng của những vật liệu dùng vào việc thiết lập các thành phố và nhà cửa. Những công việc xây cất và những cấu trúc này là những nhu cầu căn bản quan trọng đối với đời sống của nhân loại.

  3. Công xảo minh (sự khéo léo) là khả năng về chế tác hoặc nghệ thuật và công nghệ. Đó là khả năng sáng tạo các công trình nghệ thuật, như điêu khắc hoặc hội họa, hoặc sự đổi mới công nghệ. Công xảo minh cũng là sự liên quan đến bất cứ thứ gì thể hiện bản thân từ việc làm một điệu bộ trên mặt như nhếch lông mày trong khi cười cho tới việc trang trí cho bộ quần áo bạn mặc.

  4. Nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật điêu khắc phong cảnh, việc thiết kế và may mặc quần áo đều là công xảo minh. Việc cắt tóc, tạo mẫu tóc, người mẫu đi lại trên sân khấu cũng là một phần của công xảo minh.

Tóm lại, mọi thứ đẹp và nghệ thuật đều được chứa trong công xảo minh. Bất kể điều gì mang lại sự hưng phấn và hạnh phúc cho con người đều là một phần của công xảo minh. Việc ngồi trong một tư thế trang nghiêm, thẳng như chuông, hoàn toàn đúng với phong thái của một thành viên trong tăng đoàn, cũng là một phần của công xảo minh.

Công xảo minh chứa đựng sự biến đổi đa dạng. Một cách ngắn gọn, những điều gì mà biểu hiện của nó là tốt đẹp và nghệ thuật thì nó là các phần của công xảo minh. Bạn đang cười bằng đôi môi hơi mím lại. Lúc đó, biểu hiện của bạn là một phần của công xảo minh. Sự chân thật của cái bạn biểu lộ ra bên ngoài và cái bạn cảm thấy bên trong là tất cả các phần của công xảo minh. Nếu bạn không có một cảm giác nào đó bên trong, thì bạn đã không cười bằng đôi môi mím lại. Trong trái tim và tâm trí, bạn đã thiếu nghệ thuật.

Công xảo minh đại diện hai mặt là biểu hiện bên ngoài và tinh thần của chúng ta. Tinh thần của chúng ta được hàm chứa trong công xảo minh. Lấy một thí dụ, trường hợp một người nào đó có một tinh thần tràn đầy. Thế nào là tràn đầy? Như một người rất tự tin. Anh ta cảm thấy rằng tinh thần anh ta thể hiện rất tốt đẹp. Đây là một phần của công xảo minh. Một vài diễn viên biểu diễn trên sân khấu hơi sợ sệt. Mặc dù trên bề ngoài họ trình diễn rất khéo léo, tinh thần họ lại thiếu khéo léo. Khi một người lên sân khấu, không chỉ thể hiện tốt mà họ còn tràn đầy tinh thần. Họ nghĩ rằng họ chắc chắn là người tốt nhất. Tinh thần của họ rất cao. Tinh thần này là một phần của công xảo minh. Điều này vô cùng sâu sắc.

V. Y Phương Minh

Thuyết minh về y thuật hay y học. Môn học về y khoa, hoặc về bệnh lý trị liệu. Trong thời Đức Phật còn tại thế, môn này bao gồm những phương pháp và các thứ thuốc chữa những bệnh nội ngoại khoa, thủ thuật, và những cách vệ sinh phòng ngừa ở trình độ sơ khai. Hiện nay, Y phương minh bao gồm tất cả các môn sinh vật học, sinh lý học, thể chất học, giải phẫu học, y dược học, và tâm lý trị liệu với cách chữa trị phối hợp cả thể chất lẫn tinh thần.

Y phương minh được biết đến như là y thuật hay kiến thức chữa bệnh và bao hàm tất cả các khía cạnh của những gì chúng ta thường nghĩ về y học như chẩn đoán bệnh và những phương thức chữa bệnh khác nhau, nó cũng liên quan đến bất kỳ trường hợp nào khi bạn gặp một cái gì đó thô ráp và sau đó trau chuốt và sửa nó. Nó liên quan đến tất cả các trường hợp khi một cái gì đó đi từ trạng thái tồi tệ sang trạng thái tốt hơn. Y phương minh bao gồm tất cả các hoạt động giúp cải tiến một tình huống hay một điều gì đó.

Ví dụ, sửa một bản thảo, sửa một chiếc đồng hồ, hoặc bất kỳ sự điều chỉnh, sửa chữa, thay đổi, hoặc hành động làm tăng chất lượng của một điều gì đó là một phần của Minh này. Thí dụ bạn ghi chép lại buổi giảng pháp. Sau đó bạn trở về và trau chuốt lại những gì đã ghi chép để đưa lên trang web này - đó là Y phương minh. Nếu bạn thuyết giảng về các ghi chép này, bạn sẽ sử dụng khả năng về âm thanh (Thanh minh) của mình để truyền giảng chúng.

VI. Kết luận

Năm Minh là những nguyên lý (the Principle) nền tảng của vũ trụ. Chúng toàn diện và sâu sắc; chúng bao gồm đầy đủ tất cả mọi thứ trong vũ trụ có sự sống hoặc không có sự sống, cả tinh thần lẫn vật chất. Mọi thứ - vạn pháp - đều nằm trong năm minh. Tất cả những sự vật hiện tượng hữu tướng (form) hay vô tướng (formless), hữu vi (active) lẫn vô vi (inactive) trong toàn vũ trụ đều được diễn tả trong năm minh. Hiểu và làm chủ được năm minh là đạt được đầy đủ sức mạnh kỳ diệu của Phật Pháp.

Năm minh không phải là chân lý (True Principle) Phật Giáo hoặc chân lý thuộc về Phật Giáo. Chúng là những nguyên lý cơ bản của sự thật và bản chất tự nhiên của mọi hiện tượng. Chúng mô tả toàn bộ tương quan chân lý của vũ trụ. Năm Minh không phải do Phật tạo ra hoặc thay đổi, mà Phật đã có khả năng lĩnh hội sự thật sâu sắc nhất của những nguyên lý ấy chính vì vậy mà chúng được gọi là Pháp Năm Minh hoặc Ngũ Minh Pháp.

Người Huynh Trưởng cần phải hiểu rõ Năm Minh, trong đó Nội Minh là một lãnh vực khó khăn. Người Huynh Trưởng không những học tập giáo lý của Đức Phật mà còn cần phải thực hành và áp dụng vào đời sống hàng ngày để thể nghiệm được những diệu dụng của giáo lý đó. Có nắm vững được Năm Minh, người Huynh Trưởng mới có thể hướng dẫn đàn em cùng đi trên đường tu tập giải thoát.