GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HUYỀN QUANG

CÁC PHƯƠNG THỨC GIÁO DỤC TRONG GIÁO LÝ PHẬT ÐÀ

I.- DẪN NHẬP

Ðạo Phật xuất phát từ sự sống của con người, để đáp ứng với những nguyện vọng thâm sâu nhất của con người. Và chính Ðức Phật là người tượng trưng cho những tinh hoa đúc kết nên bởi những phần cao khiết và sáng mạnh nhất của con người. Bởi lẽ Ngài là một con người nên đã hiểu con người một cách thấu triệt, để rồi đem tất cả những khám phá trên bước đường tri hành những phương thức giúp Ngài đi đến sự trực nhận giá trị và bản chất của hiện hữu để khai mở cho chúng ta, khai mở chứ không phải là hóa hiện, là tạo dựng.

II.- NỘI DUNG

Chủ trương của Phật Giáo là giải thoát nghiệp: Chuyển đổi từ nghiệp ác qua nghiệp thiện, từ nghiệp thiện đến giải thoát. Có nghĩa là Giáo lý Phật đà là con đường giáo dục con người đủ 2 mặt nhận thức và hành động từ khi sinh ra cho đến khi chết ở cả 3 môi trường sinh hoạt: Gia Ðình – Học Ðường và Xã hội. Với một hệ thống giáo dục xuyên suốt từ thấp lên cao, từ gần đến xa, nhưng không rời xa thực tại đã được Thế Tôn thể hiện qua các phần sau đây trong suốt 45 năm Ngài tại thế:

A.- Niềm tin giáo dục: Qua toàn bộ hệ thống giáo lý của thời A Hàm kéo dài trong 12 năm chính Ðức Thế Tôn đã giới thiệu cho chúng ta thấy rằng trong con người có một nguồn khả năng vô tận có thể tiếp thu nhiều kiến thức, có thể điều chỉnh mọi lệch lạc của tâm lý, vật lý, sinh lý và tư duy của tự thân. Nguồn khả năng ấy Ðức Phật gọi là khả năng Giác ngộ – là Phật tính mà mọi người đều có thể vận dụng qua nổ lực của tự thân, mà Ðạo đế trong Tứ đế chính là con đường vận dụng khả năng ấy.

Và để con người có thể từng bước tiếp nhận được, Thế Tôn đã vận dụng các tinh thần giáo dục mang tính chất chủ đạo nhằm mục đích nâng cao niềm tin và tính hiệu quả cho cả 2 thành phần: đối tượng tiếp nhận và thành phần truyền đạt.

1.- Tinh thần khế cơ: Mỗi người đều có các điều kiện tâm sinh lý, tình cảm, trí tuệ, điều kiện sống khác nhau nên cần được đón nhận các điều kiện và phương thức giáo dục khác nhau. Do đó mà ngay từ buổi ban đầu giáo hóa, Ðức Thế Tôn đã lấy hình ảnh của một hồ sen với những bông hoa, nụ hoa thấp cao đang đua nhau vượt lên khỏi mặt nước để xem như là một xã hội thu hẹp. Ngoài ra Ngài còn vận dụng rất thiện xảo phương pháp khế cơ vào cả mặt ngôn ngữ cung cách diễn đạt và tâm lý thích ứng với đối tượng.

2.- Tinh thần thực tiển – thực tại: Ðức Thế tôn dạy chúng ta phải biết chấp nhận hiện tại như là một thực thể để rồi từ đó vận dụng hiệu quả khả năng và trí tuệ của chính mình đi đến an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Bởi lẽ hiện tại “như là một hòn đảo an toàn mà Thế tôn chỉ cho con người nương tựa để khỏi bị rơi chìm vào trong đại dương phiền muộn của vọng tưởng và để từ đó có thể đi vào nghĩa sống, hạnh phúc mà nghìn năm nay con người đi tìm kiếm” (Phật học khái luận của TT Chơn Thiện).

3.- Tinh thần phê phán: Một tinh thần rất “Ðại học và khoa học” đã làm kinh ngạc các nhà nghiên cứu tôn giáo là tinh thần phê phán căn cứ vào thể nghiệm của chính tự thân Thế Tôn giữa cuộc sống này, khi Thế Tôn khuyên bảo các người Kàlama đang hoang mang nghi ngờ trước lời tuyên bố của ngoại đạo chỉ cho giáo lý của mình là đúng là số một. Ngài đã dạy: “Này các Kàlama, đừng để dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn, đừng để dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi xét đoán bề ngoài, hay bởi thích thú trong những hý luận, hay bởi những điều “tuồng như” có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩ “đây là bậc đạo sư của chúng ta”; nhưng này các Kàlama khi nào các ông tự mình biết chắc chắn rằng những việc ấy là thiện, là tốt thì hãy chấp nhận và theo chúng” (Kinh Tư Sát – Trung bộ 1). Tinh thần phê phán luôn luôn gắn liền với thực tế rất khách quan, rất hiểu biết, không để cho nhận thức của con người chịu nô lệ dưới bất cứ hình thức và sức mạnh quyền năng nào.

4.- Tinh thần hướng dẫn: Trong hầu như toàn bộ những bài Pháp của Thế Tôn, Ngài luôn luôn xác nhận, Ngài chỉ là người chỉ đường, còn con người phải làm lấy công việc của chính mình là chọn lấy con đường để đi. Như thế chính Thế Tôn đã từng mở đường cho một nền giáo dục tiên tiến hơn 25 thế kỷ qua. Và qua tinh thần giáo dục hướng dẫn rất nhân bản trong thái độ hiểu biết, với mục đích giảng dạy của Ngài là giúp người nghe tự mình nhận ra con đường và tự mình thực hiện con đường.

5.- Tinh thần khích lệ: Tinh thần hướng dẫn vốn đã là một tinh thần giáo dục đặc sắc lại được Thế Tôn vận dụng khéo léo song song với sự khích lệ tâm lý. Sự khích lệ mà con người cần như là dưỡng khí để sống. Một sự khích lệ mà Thế Tôn đã thể hiện trên toàn bộ giáo lý của Ngài và không những thế mà đến giờ phút cuối cùng của cuộc sống Thế Tôn vẫn không quên khích lệ chư Tăng: “Các Pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn lên đừng phóng dật”, và khích lệ vị thị giả thân quý nhất của Ngài: “Này A Nan, chớ có sầu muộn, không bao lâu ông sẽ chứng đắc những gì chưa chứng đắc” (Kinh Ðại Bát Niết Bàn).

6.- Tinh thần tự tín, tự chủ: Trong những thời giảng Pháp Thế Tôn luôn luôn xác nhận rằng: Bằng nổ lực của riêng mình, con người có thể giải thoát ngay trong cuộc đời này. Ðiều này chỉ cho con người trở về nương tựa với chính mình, là dạy cho con người trở về với tự tín, tự chủ. Cuộc đời Ngài là một sự kiện để thiết lập sự tự tín của con người. Ngoài ra Thế Tôn đã vận dụng các hình thức gián tiếp như các trường hợp Ngài tuyên bố chứng đắc chánh trí của một số đệ tử nhỏ tuổi. Ðây chính là một niềm tin mà Thế Tôn dành cho Tăng chúng: “Giác ngộ không hẳn liên hệ đến thời gian tu hành, tuổi đời hay giai cấp xã hội, ai cũng có thể đắc tuệ giác tối thượng tuỳ theo nổ lực tu tập của mình”.

7.- Tinh thần độc lập, trừ nô lệ: Giáo lý Phật Ðà dạy con người đi vào giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc, mọi ách nô lệ, mà nô lệ lớn nhất của hiện tượng giới là nô lệ chính dục vọng của mình. Con đuờng Bát Chánh Ðạo dẫn đến vô tham, vô sân, vô si, thoát ly mọi khổ ách, thực hiện con đường này là thực hiện từng bước tự tín - tự chủ, đào tạo nên những người làm chủ, sống ích lợi cho bản thân và xã hội, vì hạnh phúc của cá nhân và xã hội đập vỡ mọi ách trói buộc bên trong và bên ngoài.

8.- Tinh thần không chấp thủ: Thành kiến cố chấp là biểu tượng của chấp thủ, chúng ngăn cản cảm thông, tiến bộ và giải thoát. Hạnh phúc tuyệt đối hay Niết bàn theo Thế Tôn là loại bỏ hoàn toàn chấp thủ. Hạnh phúc tương đối của con người trong hiện tại và tương lai là tiêu chuẩn và mức độ loại bỏ chấp thủ. Thực hiện tinh thần không chấp thủ không những đem lại sự an lạc cho cá nhân mà còn đem lại an lạc cho tha nhân và xã hội.

9.- Tinh thần tuỳ duyên bất biến: Ðây là một tinh thần xử sự, hành động uyển chuyển thích nghi với hoàn cảnh sống tuỳ thời, tuỳ chỗ, tùy người, miễn là sự uyển chuyển linh hoạt ấy mang lại điều tốt đẹp cho cả mình và người. Nói cách khác, hình thức và phương tiện hành động có thể uyển chuyển nhưng dụng ý và kết quả của hành động phải là thiện và đúng pháp. Thái độ sống này phải luôn luôn không rời khỏi lòng từ, lòng nhân và luôn luôn được soi sáng bởi trí tuệ hay chánh kiến.

10.- Tinh thần Lục hòa và Tứ nhiếp: Chỉ đạo đời sống tập thể Thế Tôn dạy nguyên tắc Lục Hòa, về mặt lãnh đạo tập thể Thế Tôn dạy nguyên tắc Tứ nhiếp (Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành và Đồng sự).

B.- Mục tiêu giáo dục: Ðể khai mở những phương pháp giáo dục tối ưu, trước hết phải đặt mục tiêu giáo dục và đường hướng giáo dục mà Giáo lý Phật đà đặt trên hai mục tiêu chính đó là: Ðào tạo con người xã hội và con người chính nó.

a.- Con người xã hội: Là giáo dục con người đáp ứng được các nhu cầu xã hội như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, chính trị. Về mặt xã hội: Kinh Thiện sinh nói lên việc xây dựng sáu mối tương giao tốt của xã hội: Tương giao giữa cha mẹ và con cái – giữa thầy và trò – giữa vợ và chồng – giữa cá nhân và bà con láng giềng, bạn bè – giữa chủ và thợ – giữa tu sĩ và cư sĩ. Kinh Tăng Chi đề cập đến bảy điều làm cho một quốc gia cường thịnh. Kinh Pháp cú nói đến một chính phủ tốt cần thực hiện mười điều gọi là “thập vương tử pháp”.

b.- Con người chính nó: Là giáo dục con người toàn diện về vật lý, tâm lý, sinh lý, ý chí, tình cảm và trí tuệ. Về mặt cá nhân: Thế Tôn dạy đến hạnh phúc gia đình, nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm cá nhân. Vì Ngài chưa bao giờ dạy con người phải lệ thuộc Ngài hay phó thác đời mình cho bất cứ một quyền năng nào. Ngài chỉ dạy: “Ngươi phải làm việc của ngươi, vì Như Lai chỉ dạy con đường”, “Ngươi là nơi nương tựa của chính ngươi, không ai khác có thể là nơi nương tựa”, do đó mà tinh thần này phải luôn luôn được thực hiện tốt trong một hệ thống giáo dục hoàn bị, vì nếu không có nó thì nhân quả của Phật Giáo không còn gì để bàn và Phật Giáo cũng không còn có lý do gì để có mặt ở đời. Học đường cũng không thể thiết lập giáo dục, luật pháp xã hội sẽ không có chỗ để thi hành và lúc đó xã hội sẽ đại loạn.

Như vậy để xây dựng một thế giới Tịnh độ ngay trên cỏi đời này, phương pháp giáo dục của Giáo lý Phật đà được đặt trên cơ sở:

1.- Giáo dục con người toàn diện: Để đạt đến một nền giáo dục con người toàn diện, chúng ta cần xác định một số nội dung:

  • Trí tuệ chứ không phải kiến thức: Kiến thức chỉ là một sản phẩm của tư duy ngã tính, một phân tố của con người mà không phải là con người toàn diện. Nó không nói lên thực tại vô ngã và hạnh phúc chân thật vô ngã. Chỉ khi trí tuệ (chánh kiến và chánh tư duy) có mặt thì con người toàn diện mới hiện hữu. Như vậy, giáo dục toàn diện vừa cung cấp kiến thức vừa tạo điều kiện cho trí tuệ ấy sinh khởi.

  • Tiêu chuẩn giá trị hạnh phúc chứ không phải luân lý: Nếu chúng ta không thể phủ nhận mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc, thì tiêu chuẩn giá trị của cuộc sống phải là hạnh phúc, chứ không phải các nguyên tắc đạo đức hay kỷ luật đầy ước lệ. Con người toàn diện chỉ chấp nhận và giữ lại những giá trị phù hợp với hướng đi là hạnh phúc.

  • Vấn đề giáo dục mỹ thuật, tình cảm, sinh lý: Các môn nhạc, họa, mỹ thuật, tình cảm, sinh lý cần đưa vào chương trình, phối hợp với các ngành khoa học xã hội khác. Giáo dục này giúp tuổi trẻ biết nhìn và sống sao cho mang lại hạnh phúc cho mình và xã hội. Dĩ nhiên, mọi nội dung phải dựa trên nền tảng Phật giáo.

  • Vấn đề con người với văn hóa truyền thống: Văn hóa truyền thống là sản phẩm của con người, vì vậy cần đặt con người và hạnh phúc của con người trước văn hóa truyền thống. Đặt con người sau văn hóa truyền thống là đặt cái cày trước con trâu. Thế Tôn dạy: “Ðừng để dẫn dắt bởi truyền thống…”.

  • 2.- Giáo dục đánh thức: Giáo lý Phật Ðà hoàn toàn không đặt nặng ký ức, tín điều, cũng không đặt nặng kiến thức. Bởi mục đích nhắm đến là giúp con người đi ra khỏi sầu bi khổ, ưu não đang đè nặng tâm tư, mặt khác giúp con người thích ứng với hướng phát triển của xã hội. Cho nên Thế Tôn chỉ là người chỉ đường, con người có thể thực hiện giải thoát bằng nổ lực của riêng mình, Ðạo đế giúp con người đánh thức tuệ giải thoát vốn sẵn có trong mình. Dạy đạo có nghĩa là trao truyền phương pháp soi sáng tư duy để khơi dậy nguồn sáng trong mỗi người, chỉ đường, vạch mở những gì đang che mờ tâm thức.

    3.- Giáo dục Thiền định: Ðây là một sắc thái giáo dục đặc sắc của Phật Giáo chưa được thực sự vận dụng vào trong bất cứ một hệ thống giáo dục hiện đại nào. Phương pháp giáo dục Thiền định rất giản dị, rất nhân bản, nhưng đưa đến kết quả lớn, kết quả tốt:

    • Về mặt tình cảm: Phấn kích, hân hoan, hỷ lạc, an tịnh, buông xả và tình thương…

    • Về tâm lý: Chuyển đổi từ thụ động sang tích cực, từ tham sân si chuyển qua vô tham, vô sân, vô si, từ thất niệm qua tỉnh giác.

    • Về cảm thọ và khả năng tập trung: Trong trạng thái tâm lý ổn định, không bị vướng mắc vào tư duy, tạo điều kiện tốt chuẩn bị cho nguồn ánh sáng bùng vỡ.

    4.- Giáo dục Trung đạo: Bài học lịch sử từ sáu năm khổ hạnh, rồi đi vào con đường trầm tư của Thiền định đã đưa đến tinh thần giáo dục Trung đạo: lánh xa hai cực đoạn (hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh cường bức), giữa lười biếng và nỗ lực quá mức; hóa giải bất đồng quan điểm để thiết lập đối thoại hơn là đối đầu, làm dịu không khí hận thù, phụng sự hòa bình và hạnh phúc chung của nhân loại và chúng sinh.

    5.- Tinh thần giảng dạy nêu thí dụ cụ thể: Trong phương pháp giảng dạy, Thế Tôn vận dụng nguyên tắc “khế cơ, khế lý, khế thời”, đồng thời đưa ra thí dụ cụ thể, quen thuộc để soi sáng cho người nghe dễ hiểu. Hình ảnh quen thuộc nhất là: giáo lý như chiếc bè qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng, như bản đồ chỉ đường — một phương pháp rất khoa học và tâm lý, mang lại nhiều kết quả tốt.

    III.- KẾT LUẬN: Nói đến giáo lý Phật Ðà, các nhà nghiên cứu thường xem đây là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến. Thế Tôn được xem như đấng giáo chủ tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ hướng đi cho nhân loại; đồng thời là nhà tư tưởng, cách mạng xã hội, và giáo dục lý tưởng, đóng góp lớn cho văn học nhân loại và hình thành văn hóa Phật Giáo.