GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HUYỀN QUANG
TINH THẦN TỰ TÍN, TỰ CHỦ
I. DẪN NHẬP
Qua sự hình thành và phát triển cuộc sống từ thời kỳ Cổ đại cho đến ngày nay với các thành tựu văn minh khoa học hiện tại của nhân loại là một bằng chứng minh xác cho chúng ta thấy lòng tự tín, tự chủ trong sự phát triển tư duy ngã tính của kiến thức thế học. Và qua cuộc đời của Thái tử Tất Ðạt Ða lại là một chứng minh cho chúng ta thấy rõ nét hơn về một tinh thần tự tín – tự chủ của một con người toàn diện với sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa trí tuệ với kiến thức – kiến thức với trí tuệ.
Bởi lẽ bản chất của đạo Phật là một đường lối sống, một lẽ sống, giáo lý của Phật giáo không phải là những khuôn khổ giáo điều và giới điều khô khan, cứng cỏi, thiếu tính chất sống động. Một giáo lý có gần ba ngàn năm lịch sử truyền bá, luôn luôn phát triển với thời gian, thích nghi với không gian, hòa hợp chặt chẽ với cuộc sống như thật của đạo Phật. Một giáo lý vạch ra con đường cho mọi người noi theo để tự mình thanh lọc, tự mình nỗ lực cố gắng là yếu tố rất quan trọng để mỗi người tự mình phát huy tinh thần tự tín – tự chủ.
II. NỘI DUNG
A. Ðịnh danh
a. Tự Tín
Là tin ở chính mình, một đức tính không thể thiếu vì thiếu tự tín thì không biết vận dụng hiệu quả khả năng của tự thân để giải quyết và xây dựng bản thân.
Một số tôn giáo chủ trương rằng vũ trụ có một vị thần tuyệt đối (nhất thần giáo) hay nhiều vị thần (đa thần giáo) thiêng liêng toàn trí toàn năng, sinh hóa sự vật, quản trị sự vật. Với quan niệm trên, tôn giáo chủ trương tính chất công năng của vị thần ấy. Người tín đồ chỉ được phép tin theo chứ không có quyền phê phán gì nữa. Vì người tín đồ muốn hưởng hạnh phúc cùng chung một cõi trời với vị thần ấy cũng phải tin theo tín điều của tôn giáo chứ không có cách gì khác, luôn luôn đặt cả cuộc đời mình cho vị thần ấy quyết định.
Trái lại, Ðạo Phật chủ trương cá nhân có quyền thẩm sát tất cả, và tin hay không là tùy ở chính mình. Hãy đọc đoạn kinh sau:
“Này các Kàlama, đừng để dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn, đừng để dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi xét đoán bề ngoài, hay bởi thích thú trong những hý luận, hay bởi những điều ‘tuồng như’ có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩ ‘đây là bậc đạo sư của chúng ta’; nhưng này các Kàlama, khi nào các ông tự mình biết chắc chắn rằng những việc ấy là thiện, là tốt thì hãy chấp nhận và theo chúng.” (Kinh Tư Sát – Trung bộ 1)
Như vậy, người tín đồ Phật Giáo không bị bắt buộc tin vào kinh điển một cách mù quáng. Tam tạng kinh điển của Phật Giáo đối với Phật tử không giống như Thánh kinh đối với tín đồ của các tôn giáo khác. Kinh điển đối với Phật Giáo không phải là một tối hậu chân lý, một bảo vật mà ai cũng phải thờ lạy, mà lại càng không phải là những bùa chú linh thiêng để khi đọc lên là sẽ được đức Phật phù hộ, cứu độ.
Mà kinh điển Phật Giáo chỉ là những lời dạy của một bậc giác ngộ: “Này các Tỳ kheo! Hãy xem ta như kẻ hướng dẫn các ngươi trên đường tu học.” Vì thế, Phật Giáo không bao giờ đặt đức Phật ở địa vị một thần linh, một chúa tể, mà người Phật tử nếu có tin tưởng, thì chỉ tin ở sự dẫn đạo sáng suốt của Ðức Phật, tin tưởng ở khả năng giác ngộ (Phật tính) sẵn có ở mọi loài, chứ không tin nơi quyền phép ban ơn xuống phước.
Qua đó, đạo Phật muốn người Phật tử phải tin bằng lý trí xét đoán, bằng nhận thức rõ ràng minh bạch, chứng tỏ đạo Phật mang một tinh thần rộng rãi và có tính nhân bản, bởi lẽ chính đức Phật đã dạy: “Tin ta, mà không hiểu ta, chính là phỉ báng ta vậy” và “Tin là căn bản của sự thành công, là nguồn gốc của muôn hạnh lành”.
Nhưng lòng tự tín của người Phật tử không phải là một lòng tin cuồng nhiệt sôi nổi, thiếu suy xét, chúng ta phải biết dở hay đều do mình, quả thực mình là tự chủ của thành bại. Sự đau khổ hay an vui chính do mình tạo ra, tương lai đen tối hay sáng suốt cũng chính do mình chủ động. Thành quả đạt được nhiều hay ít, có hay không, thành công hay thất bại là hiệu quả mà mỗi cá nhân tự mình chứng minh cho mọi người thấy được trong con người thật của chính mình có bao nhiêu phần trăm tinh thần “tự tín – tự chủ”.
Tóm lại, tinh thần tự tín của đạo Phật nhằm mục đích khích lệ con người luôn luôn phát huy lòng tự tín của bản thân trong ý nghĩa không mang tính chất mù quáng mà phải bao gồm trí tuệ.
b.- Tự chủ
Tự chủ: Là tự mình làm chủ được chính mình về cả ba mặt Thân – Khẩu – Ý, giúp mình tự thoát ra khỏi những trói buộc dục vọng của chính mình.
Tuy thế, một số tôn giáo chủ trương có một vị thần tuyệt đối, bất khả xâm phạm, mọi người phải tôn kính, bởi lẽ Ngài ban phúc khi sống và sau khi chết thì được Ngài đem về nơi thiên quốc. Người tín đồ chỉ là hầu hạ Ngài, chứ không thể sánh như Ngài được. Ngoài ra, còn có chủ trương vị Thần sinh ra và quản trị vạn vật, có quyền thưởng phạt, sung sướng hay khổ ải là do Thần làm chủ. Con người không có quyền tự chủ, vì vậy có tội thì phải xin với Thần để được xóa tội, và làm phúc thì cũng cần tin Thần mới có ý nghĩa.
Phật Giáo, trái lại, chủ trương bình đẳng. Đức Thế Tôn đã dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Ngài chỉ khai thị Phật tính sẵn có trong mỗi người. Ai phát huy được Phật tính ấy thì cũng sẽ thành Phật như Ngài. Do vậy, không có sự giải thoát nào hay thanh lọc nào có thể thành tựu nếu không có sự cố gắng từ chính mình – đúng như lời dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.”
Phật Giáo hướng nội và nhắm đến sự giải thoát cá nhân – tự mình làm chủ lấy mình. Giáo pháp cần được chứng ngộ bằng chính mình, không ai có thể thay thế.
Tóm lại, tinh thần tự tín – tự chủ không thể tách rời và cũng không thể thiếu với người tu tập giải thoát, cũng như trong cuộc sống thường ngày. Không tin người khác thì mình vẫn có thể sống, nhưng không tin chính mình thì cuộc đời mất đi ý nghĩa.
Giáo lý Phật Đà dạy con người đi vào giải thoát, nghĩa là thoát khỏi mọi trói buộc – đặc biệt là ách nô lệ của dục vọng bản thân. Con đường Bát Chánh Đạo dẫn đến vô tham, vô sân, vô si, thực hiện từng bước tinh thần tự tín – tự chủ, đào tạo nên những con người sống có ích cho bản thân và xã hội.
Qua các kinh Bắc Tạng như Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa, tinh thần khích lệ tự tín được nhấn mạnh như là bước đầu của hành giả trên đường giải thoát.
Trong lĩnh vực giáo dục học đường, tự tín là đức tính mà giáo dục cần xây dựng. Thiếu tự tín sẽ dẫn đến thiếu tự chủ. Tâm lý giáo dục không thể vận dụng hiệu quả kỹ thuật sư phạm nếu người học không tin tưởng vào bản thân. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề của giới trẻ.
Ở tầm quốc gia – xã hội, một dân tộc hùng cường luôn được xây dựng từ thế hệ những con người đầy đủ tinh thần tự tín – tự chủ.
Nhưng khả năng cũng phải tu tập, học hỏi, trau dồi mới phát triển. Hạt giống tốt lành dù có sẵn trong đất tâm nhưng cần phải tưới tẩm, vun xới thì hạt giống mới nảy mầm và phát triển. Nếu tự ti là cánh cửa đóng lại con đường đi về nơi cao thượng thì tự cao lại là rào cản không cho ta bước lên con đường ấy. Chúng ta phải biết khiêm cung, học hỏi tất cả mọi người, không những chỉ học ở bậc đàn anh mà còn phải học ở đàn em chúng ta, không chỉ học ở những người hơn hẳn ta mà cả những người thua kém ta, vì những người thua kém ta cũng có những điều ta cần học; đàn em chúng ta cũng có thể có những kiến thức, tư duy, hành vi đáng để cho chúng ta suy gẫm. Về giáo lý, không chỉ học trong bài vở, trong tài liệu mà phải biết tìm tòi, nghiên cứu và “tầm sư học đạo”, đem điều đã học được áp dụng vào cuộc sống. Phật pháp cao siêu, nếu mới học được vài điều đã khoe khoang tự mãn, những Phật sự hay công việc hằng ngày mới làm được đôi chút đã kiêu căng tự đắc thì không bao giờ có được đức Tự tín.
2.- Hun đúc tinh thần tự chủ
Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì có thể ta không bao giờ làm chủ được bản thân mình. Một ông Vua làm chủ cả sơn hà xã tắc nhưng chắc chắn với bản thân mình thì không thể nào làm chủ được. Cơn bệnh đến, ông Vua có thể làm chủ bản thân mình để tránh khỏi mắc bệnh được không? Khi cái chết đến, ông Vua có thể dùng quyền uy của mình, hạ chiếu bắt tử thần lui gót chăng?
Còn chán gì người, khi chưa có cơ đồ sự nghiệp trong tay thì nói đạo đức rất hay, nào là “phải trong trắng”, “phải chí công vô tư”, “phải biết bênh vực lẽ phải đừng để lợi danh làm loé mắt” v.v… Nhưng khi đã có chút danh phận, quyền uy thì mấy ai chịu cảnh “hàn vi đạm bạc” mà cần có cuộc sống vật chất tương xứng, phải đầy đủ tiện nghi. Vì thế, mấy ai đã làm chủ được bản thân mình khi bạc vàng dâng trước mắt? Lịch sử đã cho thấy không ít người vì không làm chủ được bản thân mình, bị lợi danh lôi cuốn phải bán nước cầu vinh; và cũng không phải là không có những kẻ vì vinh hoa phú quý mà phản đạo. Nhưng may thay đó chỉ là số nhỏ.
Nhìn chung thì dân tộc ta đã được hun đúc từ ngàn xưa (thông qua đạo Phật – nghiên cứu lại lịch sử Phật Giáo từ du nhập đến Lý – Trần) luôn luôn nêu cao tinh thần tự chủ, ngay cả thời mới dựng nước. Về sau, cho dù vì thế yếu phải bị triều đình phương Bắc thống trị nhưng lúc nào cũng cương quyết khôi phục lại cơ đồ và không bao giờ để dân tộc ta bị đồng hóa. Cho dù một ngàn năm thống trị, cuối cùng dân tộc ta cũng giành lại được nền độc lập tự chủ. Rồi đến thời kỳ Pháp thuộc cũng có biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa đã trỗi dậy. Dù có đô hộ đến trăm năm thì cuối cùng, với tinh thần tự chủ, độc lập, dân tộc ta đã đánh đuổi được xâm lăng.
Muốn có tinh thần tự chủ (làm chủ được bản thân mình) thì phải biết giảm đoạn Tham – Sân – Si và luôn luôn tỉnh táo, biết sống cuộc sống “tri túc”. Nhưng phải biết hun đúc và rèn luyện dần dần và kiên trì thực tập chớ không dễ dàng một sớm một chiều mà thành tựu. Hằng ngày chúng ta phải có những giờ phút tĩnh tâm, nhìn lại chính mình trong ngày qua đã vơi bớt phần nào Tham – Sân – Si chưa?
(Có thể tự trắc nghiệm lấy mình, ví dụ: có người vu oan rồi chửi mắng mình, nhưng mình vẫn thản nhiên không nổi giận – như vậy là mình đã làm chủ được bản thân trong giờ phút ấy. Ta không uống rượu dù gặp bạn bè thân thích xa cách lâu ngày mời mọc lôi kéo – thế là ta đã làm chủ được bản thân mình, đã giữ giới không uống rượu. Đang mong mỏi một tivi màu, vợ con đều ao ước, hàng xóm ai cũng đã có; thế rồi nhân viên của mình biết ý đem tặng một chiếc tivi màu, dù không có đưa ra yêu cầu nào, ta vẫn một mực khước từ – vì mình đang là trưởng phòng kế hoạch! Trong lòng thấy thoải mái vui tươi – chính lúc ấy là lúc mình làm chủ được bản thân mình).
Chúng ta còn phải quán Từ bi để mở rộng lòng thương, giảm được Tham, dứt trừ được phiền giận – giảm được Sân. Ngay trong khi quán chiếu, trí tuệ sẽ tăng – Si sẽ giảm. Chúng ta cũng còn phải quán “vô ngã”, quán “duyên sinh”, quán “tứ niệm xứ”. Ngoài ra, chúng ta phải thực tập chánh niệm trong từng giây, từng phút. Có vậy mới dần dần buông được mọi dục vọng, rời được ngã chấp.
Đến một mức độ nào đó, sẽ không còn cái gì cám dỗ được mình, không còn ai mua chuộc hay uy hiếp được mình – lúc ấy mới thực sự có được tinh thần tự chủ. Cũng chính đến mức độ này, dù bệnh tật tai nạn đến với ta, ta vẫn thản nhiên tự tại vì biết đó là sự vận hành theo duyên nghiệp. Thân có bệnh mà tâm không bệnh. Cho đến khi “thần chết” gõ cửa thì cũng thế thôi – không nao núng, không hoang mang, không hoảng sợ mà sẽ mỉm cười tỉnh táo để chuyển qua một cuộc sống khác theo duyên nghiệp của mình. Ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Đó mới quả là “Tinh thần tự chủ” tuyệt đối.
C.- Người Huynh trưởng đối với tinh thần tự tín – tự chủ
1. Tự tin chân chánh và vai trò chuyển nghiệp
Như vậy, người Huynh trưởng phải có một lòng tự tin ở mình, tin một cách chân chánh với một lý trí xét đoán đúng đắn. Hiểu rồi mới tin, thì lòng tự tin mới đúng với sự thật. Đối với đạo Phật, chúng ta tin mà không hiểu thì sẽ lạc đường. Người Huynh trưởng phải xác định đạo Phật chủ trương cá nhân có quyền thẩm sát tất cả và tin hay không là ở mỗi người. Bao nhiêu thành bại, nên hư của con người đều do con người tạo nên, con người tự mình định đoạt lấy số phận của chính mình.
Con người chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự giải thoát tự thân. Xã hội có tốt đẹp, đời sống có hạnh phúc chăng là do ở con người – con người có một giá trị trên hết. Như vậy, địa vị và giá trị của con người đã rõ rệt. Không trông mong ở những giá trị ngoài con người, thì người Huynh trưởng phải nhận thức lấy giá trị ấy mà hành động. Ý thức được giá trị mình và vai trò của người Huynh trưởng, phải tự lo đào tạo, tự chuyển lấy nghiệp của mình và hướng dẫn cho đàn em cùng thực hiện như mình. Bao giờ sự chuyển nghiệp của con người trở thành tốt đẹp thì bấy giờ xã hội và vũ trụ cũng trở thành tốt đẹp. Có nhận thức giá trị của con người, ta mới có tin tưởng tự tín, tự chủ ở năng lực chuyển nghiệp của mỗi chúng ta.
2. Niềm tin trong đạo Phật là chánh tín
Người Huynh trưởng cần phải nhận thức được rằng trong đạo Phật, niềm tin phải là chánh tín, chứ không phải mê tín. Niềm tin phải dựa trên trí tuệ chứ không thụ động. Trước khi tin phải hiểu rõ niềm tin dựa trên cơ sở nào. Tự thanh lọc mình, làm cho mình trở nên trong sạch – không phải do một nguyên lý ngoại lai nào, mà do tự suy gẫm những vấn đề của chính mình mà không bị trắc trở hay chướng ngại. Hạnh phúc cao thượng nhất chỉ có thể đến do tự mình hiểu biết, tự mình chứng ngộ, tự mình thức tỉnh và lĩnh hội chân lý.
Đức Thế Tôn đã từng xác định chúng ta là tự chủ của nghiệp, chúng ta chịu trách nhiệm hành động của chúng ta:
“Điều ác tự mình làm
Tự mình sanh, mình tạo
Nghiền nát kẻ ngu si
Như kim cương ngọc quý”
(Pháp cú 161)
“Tự mình, điều ác làm
Tự mình làm nhiễm ô
Tự mình, ác không làm
Tự mình làm thanh tịnh
Tịnh, không tịnh, tự mình
Không ai thanh tịnh ai”
(Pháp cú 165)
3. Huynh trưởng và việc thực hành tinh thần tự tín – tự chủ
Người Huynh trưởng thực hiện tốt tinh thần tự tín – tự chủ tức là giúp cho mình tin tưởng vào giáo lý giải thoát mà Đức Thế Tôn đã vạch cho chúng ta thấy rõ: đau khổ gây ra bởi mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên, giữa tình cảm và lý trí. Nếu mỗi một chúng ta tự nỗ lực tu hành thì có thể xoay chuyển những mâu thuẫn ấy trở thành thuần hòa, thì tự nhiên đau khổ sẽ tan vỡ. Tự tín - tự chủ giúp chúng ta có đủ trí tuệ, đủ khả năng làm con thuyền qua bờ thanh tịnh và an lạc.
- Nhờ tự tín – tự chủ vững vàng, ta mới có chánh tín và gần với chánh niệm, tiến tới giải thoát an vui.
- Giữ vững tinh thần tự tín – tự chủ, người Huynh trưởng luôn luôn tin tưởng vào tổ chức giáo dục Gia Đình Phật Tử, xây dựng trên nền tảng lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, vận dụng 5 hạnh và ngũ minh pháp vào cuộc sống ngày càng phong phú và tiến bộ hơn nữa.
- Xây dựng tinh thần tự tín – tự chủ không chỉ là lời hứa suông, mà là ý thức trách nhiệm giáo dục đối với đàn em. Người Huynh trưởng luôn luôn thể hiện Thân Giáo – Khẩu Giáo – Ý Giáo mẫu mực làm gương cho các em noi theo.
Người Huynh trưởng cần phải lấy 10 điều tâm niệm trong Luận Bảo Vương Tam Muội làm chất liệu và hành trang để tự giáo dục chính mình và đàn em – tức là vận dụng phương pháp hành trì và áp dụng giáo lý vào cuộc sống. Qua đó góp phần nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp, đồng thời tạo cho mình duyên được gần gũi Phật pháp, tu hành ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn sống trong chánh niệm – từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác – mãi mãi không ngừng.
4. Tinh thần tự tín – tự chủ và nếp sống Gia Đình Phật Tử
Tinh thần tự tín – tự chủ giúp cho người Huynh trưởng ý thức được mục đích giáo dục của Gia Đình Phật Tử Việt Nam và luôn luôn tự tại để thực hiện nếp sống Gia Đình Phật Tử – là một nếp sống tươi đẹp và lợi ích, mà bản chất nếp sống ấy là tinh thần đạo Phật, là giáo lý đạo Phật, là thực hiện đúng đắn nhân cách tương đối và tiến đến nhân cách viên mãn.
“Tránh tất cả điều ác, làm tất cả điều lành, giữ cho tâm mình được trong sạch” – bản chất ấy không bao giờ thay đổi, vì nếu nó biến đổi thì nó không còn là bản chất của Phật Pháp và cũng không còn là nếp sống của Gia Đình Phật Tử Việt Nam nữa.
5. Rèn luyện tinh thần tự tín – tự chủ qua 10 điều tâm niệm
Người Huynh trưởng phải rèn luyện nhuần nhuyễn tinh thần tự tín – tự chủ để giúp cho bản thân dễ dàng tiếp nhận và tự xây dựng 10 điều tâm niệm của người Huynh trưởng áo Lam:
- Tin vào đạo.
- Tin vào Gia Đình Phật Tử.
- Thông suốt đường lối của Gia Đình Phật Tử.
- Tránh sự huyễn dụ của tà thuyết.
- Yêu nghề dạy trẻ, trau dồi kiến thức.
- Tự tuân thủ kỷ luật, Nội Quy – Quy Chế Huynh trưởng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam và chịu sự huấn luyện.
- Phát huy sáng kiến.
- Tổ chức đời sống.
- Làm việc có kế hoạch.
- Tác phong nghiêm chỉnh để xây dựng cho mình và các em một nếp sống thuần chính: Tinh tấn, Hỷ xả, Thanh tịnh, Trí tuệ và Từ bi.
III. KẾT LUẬN
Tinh thần tự tín – tự chủ của Phật Giáo là do mỗi cá nhân quyết định mọi sự thành bại trong đời sống tu tập và cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Sự giải thoát hay đày đọa đều do tự mỗi chúng ta đem đến và điều quan trọng hơn cả là do sự tự thanh lọc của bản thân là chính.
Ðối với tổ chức giáo dục Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, người Huynh trưởng phải thể hiện tinh thần tự tín – tự chủ để tạo một niềm tin cho các em nhìn nhận, mẫu người Huynh trưởng thân giáo rất cần thiết để hướng dẫn giáo dục cho các em đoàn sinh thực hiện tốt lý tưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam và tiến tới giải thoát an vui tự tại.
Hy vọng rằng người Huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam sẽ thể hiện hoàn mãn trách nhiệm của chính mình vì trong mỗi một chúng ta đã có sẵn “tâm bồ đề” mãi mãi nuôi dưỡng tinh thần tự tín – tự chủ của chúng ta luôn luôn lớn mạnh.