GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HUYỀN QUANG

Tứ Ân, bài số 4 bậc Kiên

Tứ Ân

Con người sống trong xã hội là "sống cùng nhau và sống với nhau", mọi người đều có sự gắn bó và liên hệ mật thiết với nhau bởi vì không một ai có thể sống một mình (đơn độc) mà tồn tại và phát triển. Từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt, mỗi người chúng ta đều chịu rất nhiều ơn nặng. Gần gũi nhất là ân của cha mẹ, ân của thầy bạn, rộng ra một chút là ân quốc gia xã hội. Ngoài ra, người Phật tử còn chịu ân Tam bảo, vì thế, chúng ta phải biết cách báo đáp những ân nghĩa cao dày ấy một cách sáng suốt và đầy ý nghĩa.

I. Ân Cha Mẹ:

1. Công ơn:

Cha mẹ thương con vô bờ bến, vì con mà phải chịu nhiều khổ sở. Từ khi mang thai con, mẹ phải chịu nhiều khổ cực. Đến khi sinh con, mẹ phải chịu đau đớn trăm chiều nhưng khi nghe tiếng con khóc chào đời, mẹ vui mừng khôn xiết quên hết cả đớn đau. Suốt cả cuộc đời, cha mẹ làm lụng vất vả cũng chỉ vì cho con ăn học thành người. Lúc con ốm đau, cha mẹ quên ăn bỏ ngủ, tìm thầy chửa trị, lo lắng thuốc thang. Khi con khôn lớn, trưởng thành, cha mẹ lo cưới vợ, gã chồng, tạo dựng gia đình, sự nghiệp cho con. Đối với những bậc cha mẹ có duyên với đạo Phật, còn đưa con đến với Đạo để được giáo dục, trao dồi đức hạnh và biết được con đường giải thoát khổ đau. Những công ơn ấy cao hơn núi, sâu hơn biển, không làm sao kể hết cho nên trong ca dao có câu: "Công cha như núi ngất trời, Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Ðông".

2. Cách báo đáp:

Trong đạo Phật thì Hạnh Hiếu đứng đầu muôn hạnh và đức Phật có dạy: "Dù một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, suốt cả cuộc đời, cung phụng đầy đủ, cha mẹ đại tiện, tiểu tiện trên đầu, trên cổ cũng vui tươi, vẫn chưa đủ đền đáp công ơn". Vì sao thế? Vì công ơn của cha mẹ to lớn như trời như biển không làm sao đền trả trong đời này. Vậy, chúng ta phải đền đáp công ơn cha mẹ như thế nào? Bổn phận làm con ngoài việc cung kính, yêu thương chăm sóc cho cha mẹ, còn phải biết giữ gìn thanh danh gia đình, làm rạng danh cho cha mẹ, không phải bằng chức vị giàu sang mà bằng cuộc sống hiền thiện đạo đức của mình. Như thế cũng chưa đủ, mà còn phải giúp cho cha mẹ giải thoát khổ đau, sống đời an lạc bằng cách lựa lời khuyến hóa cha mẹ đi chùa lễ Phật, nghe kinh, thực hành giáo lý ”làm lành, lánh dữ” từ bỏ lần những thói quen và sở thích không tốt như rượu chè, cờ bạc, săn bắn v.v...

II. Ân Thầy Bạn:

1. Công ơn:

Chúng ta được mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ văn hóa là nhờ công ơn dạy dỗ của thầy/cô và sự giúp đỡ của bạn bè trong việc học hành. Trên thực tế, chúng ta học hỏi ở bạn rất nhiều, từ những thắc mắc, trao đổi ý kiến với bạn học giúp chúng ta thông hiểu những điều khó hiểu. Ngoài ra, bạn bè còn giúp chúng ta trong những khi thất bại, gặp khó khăn hay trong những lúc hoạn nạn.

2. Cách báo đáp:

Ðể đền đáp công ơn thầy bạn, chúng ta phải siêng năng học tập để càng ngày càng nâng cao trình độ văn hóa và kiến thức. Cho dù không còn đến trường nhưng chúng ta luôn luôn tìm tòi học hỏi ở sách vở và ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta phải cung kính và lễ độ với những người thầy đã dạy dổ chúng ta cũng như thường lui tới viếng thăm giúp đỡ thầy bạn, nhất là những lúc thầy bạn thiếu thốn hoặc gặp hoạn nạn. Tình nghĩa Thầy trò và bạn bè phải luôn gắn bó thủy chung, trước sau như một. Ngoài ra, ta còn phải biết khích lệ thầy bạn, học hỏi giáo lý Phật đà, làm các việc phước thiện.

III. Ân Quốc Gia Xã Hội:

1. Công ơn:

Nói đến ơn quốc gia thì phải nói đến các vị tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã có công dựng nước và giữ nước. Những người đã đem xương máu gìn giữ quê hương, và ngay cả những người hiện còn ngày đêm giữ gìn quê hương, canh phòng bờ cõi, bảo vệ an ninh để chúng ta được sống thanh bình. Chúng ta cũng mang nặng ân sâu của chính phủ (nếu là chính phủ biết thương dân, lo cho sự ấm no của dân) trong việc chăm lo giáo dục, y tế, kinh tế, văn hóa để chúng ta có cuộc sống ấm no, ổn định và tiến hóa. Rộng ra nữa, nhờ sức lao động của nông dân, thợ dệt, thợ may, chúng ta có cơm ăn, áo mặc v.v… Nói tóm lại, mọi thứ trong cuộc sống này, chúng ta đều phải nhờ vã vào người khác cho nên chúng ta phải luôn nhớ ơn quốc

2. Cách báo đáp:

Ðể báo đáp đền ân quốc gia xã hội chúng ta phải làm tròn bổn phận của người dân đối với đất nước, phải tôn trọng luật pháp đã quy định. Chúng ta phải biết bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng như chọn lựa tiếp thu những cái hay cái đẹp của văn hóa các nước tân tiến chứ không đua đòi một cách mù quáng để trở thành những kẽ vong bản, quên cội nguồn. Chúng ta phải biết sống giản dị, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ nhất là những lúc đồng bào bị thiên tai hoạn nạn. Chúng ta luôn nhớ ơn, quý trọng những người lao động, đem công sức, đổ biết bao mồ hôi để ta có bát cơm, tấm áo, thuốc men khi đau ốm, và mọi vật dụng cần thiết trong cuộc sống. Ðừng nghĩ rằng mình "Có tiền là có tất cả", dù ngồi trên đống tiền mà không có người nông phu cày ruộng, không có người công nhân dệt vải, không có người thợ xây dựng nhà cửa thì thử hỏi cơm đâu ta ăn, áo đâu ta mặc, nhà đâu ta ở? Và còn biết bao nhiêu nhu cầu khác trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế, ta không nên phung phí lương thực, không xài phí vật dụng quá đáng, mà phải biết tiết kiệm để giúp đỡ kẻ nghèo khó, cũng như tham gia các công tác từ thiện xã hội. Những người biết ơn quốc gia xã hội là những người luôn tích cực làm việc đúng với chức năng và nghề nghiệp của mình để đóng góp cho sự phồn vinh của quốc gia xã hội. Ngoài ra, người Phật tử còn đền đáp công ơn quốc gia xã hội bằng cách áp dụng "Tứ nhiếp pháp" để cảm hóa, giáo dục những phần tử không tốt trong xã hội.

IV. Ân Tam Bảo:

1. Công ơn:

Đối với người Phật Tử, còn một công ơn lớn lao nữa, đó là ân Tam bảo. Qua bài "Cuộc đời đức Phật", chúng ta thấy rõ Thái tử Tất Đạt Đa đã bỏ cả vợ đẹp con yêu, cung vàng điện ngọc để đi tìm chân lý, không phải chỉ mong muốn giải thoát cho riêng mình mà Ngài luôn luôn thao thức tìm hạnh phúc chân thật cho chúng sanh. Đức Thế Tôn đến với thế gian này bằng tấm lòng từ bi rộng lớn, nhờ Ngài mà nhân loại biết con đường tu, giải thoát khổ đau; sống trong hạnh phúc thật sự. Tuy Ngài đã tịch diệt cách đây hơn 25 thế kỷ nhưng nhờ giáo pháp của Ngài và các thế hệ chơn Tăng truyền thừa, ngày nay, chúng ta mới được tắm gội trong ánh sáng nhiệm mầu. Cho nên người Phật tử không thể nào quên công ơn Tam bảo và luôn tìm cách báo đáp. Nhưng ta phải làm gì để báo ơn Tam bảo?

2. Cách báo đáp:

Thật sự thì ân Tam bảo quá lớn lao, quá cao cả mà chúng ta thì đang chìm đắm trong mê mờ làm sao gọi là đền đáp cho trọn vẹn được? Chỉ có tấm lòng thành kính và sự thiết tha mong cầu giải thoát của chúng ta mới có thể gọi là chút báo đền công ơn (vì Thế Tôn thị hiện Ta bà cũng với mục đích giải thoát cho chúng ta khỏi đau khổ luân hồi). Muốn thế, chúng ta phải luôn tinh tấn học hỏi, nghiên cứu kinh điển, và đem giáo pháp thực hành trong đời sống. Khi nghiên cứu kinh điển, chúng ta phải hiểu rằng giáo lý là phương tiện để đi đến chân lý chứ giáo lý không phải là chân lý. Nói một cách khác, giáo lý chỉ là ngón tay, phương tiện dùng để chỉ mặt trăng, đừng lầm tưởng ngón tay là mặt trăng. Có như thế chúng ta mới học và hiểu đúng thực nghĩa của giáo lý. "Hiểu đúng" nghĩa giáo lý chính là cách đền đáp công ơn của Phật chứ không phải tôn xưng Ngài một cách mù quáng, như Ngài đã từng nói: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Nghiên cứu giáo lý với tinh thần cố chấp là tự nhốt mình trong cái võ "giáo điều" sẽ không nhìn thấy được sự vật đúng như thật tướng của nó giống như đứa con khờ dại, khi có lổi bị quở phạt, chỉ biết nhìn người cha qua sự nghiêm khắc mà không nhìn được tình thương bao la ẩn tàng trong ánh mắt nghiêm nghị đó. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đền đáp công ơn sâu dày của Tam Bảo bằng cách hộ trì Chánh pháp, tích cực trong nhiệm vụ của người huynh trưởng: chăm sóc, giảng dạy giáo lý cho đàn em. Tham gia các công tác Phật sự. Ủng hộ các công trình phiên dịch, ấn hành kinh sách Phật giáo, cũng như cúng dường chư Tăng, Ni giới hạnh trang nghiêm, tu hành thanh tịnh.

Kết luận:

Ðã là người, nhất là người Phật tử, chúng ta phải biết Bốn Trọng Ân và tìm mọi cách để đền đáp những công ơn đó một cách sáng suốt và ý nghĩa như đã trình bày trong bài. Theo đó, báo đáp công ơn đúng như Pháp không lệ thuộc vào khả năng vật chất hay tinh thần hoặc giàu sang hay nghèo hèn mà trong bất cứ mọi hoàn cảnh, tình huống, cho dù khó khăn hạn hẹp đến đâu chăng nữa thì chúng ta cũng có thể áp dụng những giáo lý đã học vào đời sống hằng ngày và khuyến hóa mọi người sống theo lời Phật dạy, đó chính là đền đáp Tứ trọng ân một cách hữu hiệu và thiết thực nhất.